Các loại tinh dầu là chiết xuất bay hơi, có mùi hương được sử dụng rộng rãi trong nhiều phương pháp trị liệu, từ chữa vết viêm nhiễm, nhiễm trùng nhỏ cho đến giảm căng thẳng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney đã phân tích và phát hiện nguy cơ tiềm ẩn của việc sử dụng tinh dầu với sức khỏe.
Dựa trên nhiều hồ sơ tại trung tâm xử lý và chữa trị ngộ độc bang New South Wales, các nhà khoa học đã phát hiện xu hướng gia tăng các ca ngộ độc tinh dầu trong những năm gần đây, với hơn một nửa số bệnh nhân là trẻ em.
Hình minh họa. Nguồn: (Christin Hume/Unsplash)
Đánh giá 4,412 ca ngộ độc tinh dầu diễn ra từ tháng 7 năm 2014 đến tháng 6 năm 2018, các nhà khoa học đã phân loại dựa trên một số tiêu chí. Cụ thể, từ năm 2014 đến 2015, đã có 1,011 cuộc gọi đến trung tâm báo cáo nguy cơ ngộ độc từ phụ huynh hoặc chính bệnh nhân. Từ 2017 đến 2018, con số này đã tăng lên 16% thành 1177 ca.
Phần lớn - tương đương khoảng 80% số ca xảy ra do nhầm lẫn chai tinh dầu với loại dược phẩm khác như siro ho. Chỉ có 2% số ca ngộ độc xảy ra do cố ý uống tinh dầu.
Có lẽ, chỉ số đáng lo ngại nhất là 63% số bệnh nhân ngộ độc có độ tuổi dưới 15. Độc tính sẽ phát tác rất nhanh, và chỉ cần một lượng nhỏ khoảng 5ml có thể đe dọa tính mạng trẻ nhỏ.
Trong thời gian gần đây, các loại tinh dầu được ưa chuộng như một liệu pháp “tự nhiên” thay thế cho dược phẩm. Dù một số loại dầu, chẳng hạn như dầu cây phỉ và bách lý hương, có thể có tác dụng sát khuẩn và kháng kí sinh trùng hoặc có mùi hương giúp xoa dịu căng thẳng, song không phải loại dầu nào cũng có tác dụng như nhau.
Hầu hết các loại tinh dầu có thể gây kích ứng da hoặc viêm da tiếp xúc. Những loại khác có chứa các hợp chất xuất hiện tự nhiên là chất gây rối loạn nội tiết, và gây ảnh hưởng không mong muốn tới hormone trong cơ thể. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện gần một nửa số ca ngộ độc gọi đến trung tâm có nguyên nhân là dầu khuynh diệp. Chỉ cần một vài mililit cũng có thể gây đau dạ dày, buồn nôn, và thậm chí co giật.
Số ca tử vong vì tinh dầu thì khá hiếm, song không phải là không có. Một cuộc điều tra thực hiện vào năm 2012 đã phát hiện một trường hợp bệnh nhân nam 80 tuổi qua đời vì ngộ độc tinh dầu lộc đề xanh.
Những ca ngộ độc phần lớn xảy ra khi sử dụng tinh dầu như thuốc chữa bệnh tự nhiên do ảnh hưởng của việc quảng cáo tác dụng tốt mà bỏ qua nguy cơ tác dụng phụ. Bên cạnh đó, các loại thuốc được phân loại là “thuốc thay thế” thường có cơ chế quản lý và kiểm soát lỏng lẻo hơn hẳn các loại dược phẩm.
Do đó, các nhà khoa học khuyến cáo mỗi cá nhân cần lưu ý trong bảo quản tinh dầu như sử dụng nắp chống tràn, khóa an toàn cho trẻ em và để tách biệt với các loại dược phẩm khác.
Nguồn: https://www.sciencealert.com/essential-oil-poisoning-is-on-the-rise-this-is-the-science-you-need-to-know?perpetual=yes&limitstart=1
Công Nhất theo sciencealert